Xem tiếp...
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong những năm qua đã thực hiện tốt chỉ thị 03- CT/TW rồi đến chỉ thị 05- CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa VII) về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong phong trào chung của cả nước, Chi Bộ Trường THCS&THPT Lý Văn Lâm cũng đã triển khai, quán triệt các chỉ thị nêu trên một cách sâu sắc. Thời gian qua đã xuất hiện nhiều tấm gương cá nhân và tập thể nhận thức sâu sắc và hành động thiết thực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những tấm gương ấy đã có sức lan tỏa thành những bước chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Năm nay (2020), kỉ niệm 130 năm ngày sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày thành lập Đảng và 91 năm ngày thành lập Công đoàn, tôi xin giới thiệu một tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là thầy Thi Văn Trí, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Thầy sinh ra và lớn lên ở đất học, xứ Thanh, nơi núi sông tươi đẹp. Vùng đất có nhiều vị đại khoa, nhân tài của đất nước. Có lẽ vẻ non sông tốt tươi, chung đúc, nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, hiền tài mẫu mực. Và cũng chính vì lẽ ấy mà thầy cũng được thừa hưởng và hun đúc nhiều đức tính quý báu từ những bậc cha chú của đất tổ quê hương. Đặc biệt thầy là một tấm gương mẫu mực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong suốt quá trình 40 năm cống hiến thầm lặng trong sự nghiệp giáo dục.
Rời quê hương xứ Thanh, thầy vào Nam công tác từ thời trai trẻ. Gần 20 năm, thầy cống hiến công sức của mình tại trường THPT Đầm Dơi. Vì là một giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi, luôn phấn đấu, nhiệt tình và gương mẫu nên thầy được Sở GD bổ nhiệm làm Phó hiệu trưởng trường CĐSP Cà Mau. Sau một thời gian gắn bó với trường Cao đẳng Sư phạm, thầy được điều về làm Hiệu trưởng trường PTTH Cà Mau. Rồi Trưởng phòng phổ thông của Sở GD&ĐT Cà Mau.
Từ thời còn là một giáo viên đứng lớp giảng dạy cũng như trong thời gian làm công tác quản lí Sở hay đứng đầu lãnh đạo của một đơn vị trường học, ở cương vị nào thầy cũng luôn khiêm tốn và hết lòng tận tụy trong công việc. Mặc dù đã có thâm niên nhiều năm trong nghề nhưng trong quá trình làm việc, thầy luôn lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn cũng như công tác quản lí của mình.
Đầu năm 2019, thầy được phân công về làm lãnh đạo trường tôi. Tôi còn nhớ như in cảm giác lần đầu tiên gặp thầy. Thái độ điềm đạm, ánh mắt sáng, cái nhìn cương nghị đầy tự tin và nụ cười ấm áp của thầy đã xóa đi khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên.
Về với trường chúng tôi, một ngôi trường xã, vùng ven, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Chất lượng giáo dục của những năm qua còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh. Buổi đầu, khỏi phải nói cũng hiểu thầy gặp khó khăn đến nhường nào! Thầy luôn trăn trở: Làm thế nào để nâng cao chỉ tiêu “đầu vào” cũng như chất lượng “đầu ra”?! Trong khi xung quanh có biết bao ngôi trường có tên tuổi như: Nguyễn Thái Bình, Võ Thị Sáu, Hồ Thị Kỷ, Cà Mau… Thế mà người quản lí ấy không thoái lui, không hề nản chí. Dẫu biết rằng đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ đối với một người lãnh đạo mới, phải “Đứng mũi chịu sào” như thầy.
Không chần chừ, không do dự, thầy bắt tay ngay vào việc thực hiện hai vấn đề then chốt giúp thay đổi hình ảnh nhà trường. Đầu tiên, thầy mạnh dạn củng cố đội ngủ giáo viên, đổi mới cách nhận xét, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đó Là: học thực, kiểm tra, đánh giá thực và kết quả thực. Và với thầy, để làm được điều đó thì đòi hỏi người giáo viên phải luôn rèn luyện học hỏi, trau dồi chuyên môn và đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng cấp học, từng lớp, từng đối tượng học sinh. Bằng sự quan tâm sát sao của mình, thầy chỉ đạo cho giáo viên trong tổ chuyên môn thường xuyên dự giờ lẫn nhau để trao đổi, học tập, rút kinh nghiêm trong giảng dạy. Tăng cường các tiết dạy thao giảng, các buổi sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa… để nâng dần chất lượng giảng dạy của đội ngủ giáo viên cũng như kết quả học tập của học sinh.
Bên cạnh đó, để tạo lòng tin ở phụ huynh, lấy chất lượng “đầu vào”, thầy mạnh dạn kêu gọi sự ủng hộ của các mạnh thường quân và thực hiện chương trình Xã hội hóa giáo dục để từng bước nâng dần cơ sở vật chất trường, lớp. Thầy cho tiến hành sửa chữa cơ sở vất chất, mua sắm thêm trang thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác dạy và học. Kinh phí chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của các mạnh thường quân qua sự kêu gọi của thầy.
Mặc dù nỗ lực, cố gắng là thế, xong khó khăn nhất là liên quan đến việc “cải cách” đội ngũ. Vì những gì cố hữu, lối mòn trong suy nghĩ sẽ không dễ thay đổi. Đội ngũ giáo viên thời gian đầu khó tiếp nhận vì phải thay đổi hoàn toàn mục tiêu cần hướng tới. Nhưng may mắn thay, bằng sự quyết tâm, bằng lòng chân thành, đầy trách nhiệm và sự chỉ đạo kiên quyết, sát sao của một người lãnh đạo luôn đi đầu, gương mẫu, tất cả chúng tôi giờ đây đã quen dần trong nề nếp làm việc, trong đổi mới phương pháp giáo dục cũng như trong ý thức học tập, tu dưỡng đạo đức và rèn luyện chuyên môn. Mỗi chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để cùng tập thể nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhờ sự quyết tâm trong chỉ đạo đổi mới giáo dục, sự quan tâm sát sao, nhiệt tình, đi đầu, gương mẫu trong mọi công việc mà thầy đến với ngôi trường chúng tôi chưa đầy hai năm, chỉ với một khoảng thời gian ngắn ngủi từng ấy thôi, thầy đã thổi phồng vào ngôi trường một ngọn gió mới. Thầy đã đến với trường THCS và THPT Lý Văn Lâm chúng tôi bằng tất cả sự nhiệt huyết trong sự nghiệp giáo dục - sự nghiệp “trồng người” ở cái ngưỡng tuổi 60, một độ tuổi thường được xem là sức cùng, lực kiệt. Nhưng với thầy thì không. Thầy làm việc luôn tận tâm, tận lực, hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Công việc hàng ngày, với thầy bao giờ cũng khẩn trương, bao giờ cũng gắp gáp, vội vã. Dường như thầy đang chạy đua với thời gian để hoàn thành mọi dự định trong công việc một cách nhanh nhất, sớm nhất. Có lẽ, thầy mong mọi thứ hoàn thành trước khi thầy về với tuổi hưu, an dưỡng tuổi già.
Dưới sự dìu dắt, chỉ đạo của thầy, ngôi trường tôi không những ngày một khang trang hơn, sạch đẹp hơn, nề nếp hơn. Không những sân trường có thêm nhiều bồn hoa, cây cảnh hơn mà các phòng học còn được trang trí tươi mới hơn. Nhờ đó mà không khí lớp học của thầy và trò trường chúng tôi cũng bớt đi áp lực và bớt căng thẳng hơn.
Thầy thường bảo với chúng tôi rằng: “Muốn tốt hơn, muốn tiến bộ hơn thì phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám dũng cảm đấu tranh, đổi mới…” và thầy nói là làm. Thầy đã đổi mới cách quản lí, cách nhìn nhận và đánh giá kết quả. Với thầy, thành tích là chất lượng thực sự chứ không phải là những con số. Chính vì nghĩ vậy, làm vậy mà thầy đã và đang đưa dần chất lượng dạy - học của trường ngày một đi lên. Thầy đã mạnh dạn gạt bỏ cái gọi là “Bệnh thành tích trong giáo dục”. Kiên quyết không để học sinh “Ngồi nhầm lớp”. Nhờ vậy mà giờ đây đã có sự chuyển biến rõ rệt trong nếp nghĩ của học sinh. Các em không còn quen thói ỉ lại và dần có ý thức, trách nhiệm hơn trong nhiệm vụ học tập của mình.
Sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng, giờ đây chúng tôi đã thấy nụ cười trên gương mặt trầm tư của thầy. Chất lượng dạy và học của trường đã ngang bằng, thậm chí cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh nhà. Kết quả hai mặt giáo dục học sinh của năm học 2019-2020 có sự chuyển biến rõ rệt so với năm học trước. (Tổng số học sinh lên lớp hẳn đạt 86.9% (vượt chỉ tiêu: 6.9%). Học sinh Tốt nghiệp THCS đạt: 99.2% (Vượt: 4.2%) và Tốt nghiệp THPT đạt: 99.2% (Vượt chỉ tiêu và cao hơn :17% so với năm học trước). Đến nay, Trường THCS&THPT Lý Văn Lâm thật sự là địa chỉ đáng tin cậy của phụ huynh và học sinh. Là nơi chấp cánh ước mơ cho các thế hệ trẻ ở hiện tại và cả trong tương lai.
Không chỉ chú trọng về việc giáo dục kiến thức cho học sinh mà thầy luôn chú ý về việc rèn luyện nhân cách, đạo đức cho các em. Thầy luôn nhắc nhỡ chúng tôi đừng quên dạy các em cách làm Người – Những con người lương thiện, có ích cho xã hội. Chính vì vậy mà những buổi sinh hoạt dưới cờ ngày càng nhiều học sinh được nêu gương “Người tốt- việc tốt” hơn.
Với một lãnh đạo của ngôi trường hơn 120 giáo viên, nhân viên với 53 lớp học (Hơn 2.300 học sinh), dù bận rộn là thế, khó khăn là thế, nhưng thầy luôn quan tâm, chăm chút từng việc nhỏ của trường, lớp.
Thầy luôn tìm cách tháo gỡ dần những khó khăn vướng mắc để nâng dần chất lượng dạy và học. Để thành quả trong công tác dạy học thật sự là niềm tự hào của cả thầy và trò. Thầy thường bảo với chúng tôi: “Nghề giáo viên giống như người truyền lửa. Muốn thắp sáng trong trái tim học trò ngọn lửa đam mê, sáng tạo và yêu thương thì trái tim người thầy phải có lửa.”. Đúng vậy. Tôi đã nhìn thấy ngọn lửa đam mê, yêu nghề đầy nhiệt huyết trong ánh mắt, nụ cười, trong từng việc làm hàng ngày của thầy. Thầy không những truyền lửa cho lớp lớp thế hệ học trò mà ngọn lửa ấy còn được lan tỏa cho mỗi chúng tôi. Làm việc bên thầy chúng tôi tự nhủ mình phải cố gắng hơn nữa, học hỏi ở thầy nhiều hơn nữa, tự rèn mình nhiều hơn nữa để trở thành ngọn lửa thắp sáng lên trong trái tim các thế hệ học trò.
Mặc dù ở cương vị là hiệu trưởng nhưng thầy luôn sống chan hòa, giản dị. Hàng ngày, không ít lần, tôi rất xúc động khi vô tình bắt gặp việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa và có sức lan tỏa mạnh mẽ vô cùng của thầy. Trên những bước chân vội vã vào trường nhưng thầy vẫn không quên dừng bước, khom người cúi nhặt những mảnh giấy vụn, túi ni lông hay những vỏ chai nước mà một vài em học sinh chưa có ý thức tốt, còn vứt vương vãi ngoài sân! Hình ảnh ấy, việc làm ấy, có sức lan tỏa không chỉ riêng tôi mà có lẽ nhiều giáo viên khác, nhiều thế hệ học sinh khác. Chúng tôi cảm động biết bao trước những việc làm nhỏ mà có tầm ảnh hưởng và có ý nghĩa giáo dục lớn lao ấy!
Vậy đấy, ở môi trường làm việc nào thầy cũng luôn tận tụy, luôn cống hiến công sức của mình một cách thầm lặng. Thầy chính là một tấm gương sáng, một nhân cách đẹp để cho tập thể Hội đồng sư phạm noi theo. Để các em học sinh biết ơn, yêu thương và kính trọng. Để từ đó mỗi cá nhân tự nhìn nhận lại chính mình, tự rèn mình tốt hơn. Chúng tôi được sống, được làm việc bên cạnh sự dìu dắt, chỉ đạo của thầy, một người lãnh đạo, một cán bộ đảng viên, công đoàn viên gương mẫu, đầy tinh thần trách nhiệm và tràn đầy nhiệt huyết với nghề như vậy, chúng tôi cảm thấy tự tin và tự hào hơn. Cảm thấy vui hơn, ấm áp hơn khi được ở bên thầy. Tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để Trường THCS và THPT Lý Văn Lâm trở thành vườn hoa giáo dục luôn tỏa hương thơm ngát.
Thầy ơi! Dẫu mai này thầy có nghỉ dưỡng vì tuổi già, sức yếu, dẫu thầy có xa trường, xa tập thể Hội đồng sư phạm, xa những lớp học trò mà thầy hết lòng dìu dắt nhưng tấm lòng nhiệt huyết, tấm gương sáng của một người thầy giản dị, mẫu mực, một người lãnh đạo gương mẫu, tận tình của thầy chính là động lực để tiếp thêm sức mạnh cho chúng em vững vàng hơn trong sự nghiệp “trồng người”.
Tác giả bài viết: Tạ Ánh Minh
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
KẾ HOẠCH Về việc tổ chức lễ khai giảng năm học 2024– 2025
KẾ HOẠCH Chi tiết về thời gian thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025
VB hướng dẫn nâng lương trước thời hạn
Kế Hoạch Chi tiết năm học 2023-2024
Kế hoạch chi tiết năm học 2022-2023
Hướng Dẫn Viết Và Nộp SKKN 2021-2022
Kế hoạch chi tiết năm học 2021-2022
DỰ THẢO KHGD - NĂM HỌC 2020-2021
Phân cồng chuyên môn và chủ nhiệm
QĐ TH Tổ CM Và Bổ nhiệm Tổ trưởng, tổ phó
HOẠT ĐỘNG NHÀ TRƯỜNG TUẦN 1-4