= = CHÀO MỪNG CÁC THẦY CÔ VÀ CÁC EM HỌC SINH ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA TRƯỜNG THCS&THPT LÝ VĂN LÂM = = ...Chúc các bạn có một ngày làm việc thật vui vẻ...
Qc1
Hình ảnh hoạt động
TIN MỚI NHẤT
Các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại trường THCS&THPT Lý Văn Lâm

Các hoạt động chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 tại trường THCS&THPT Lý Văn Lâm

Mỗi độ tháng 3 về, trong không khí ấm áp của tiết trời mùa xuân, chị em phụ nữ nói riêng và mọi người nói chung lại háo hức đón chào kỉ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. Đây là dịp để tôn vinh vẻ đẹp, khẳng định vai trò của những người phụ nữ trong xã hội và trong cuộc sống. Đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, biểu dương tinh thần, lực lượng của phụ nữ thế giới nói chung và phụ nữ Việt Nam nói riêng trong công cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, hoà bình dân chủ, sự tiến bộ của xã hội, cho quyền lợi và hạnh phúc của phụ nữ.

Xem tiếp...

barner giữa

PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT DẠY HỌC HIỆU QUẢ

Chủ nhật - 10/11/2019 22:01
Đây là bài tôi sưu tầm của một Thạc sĩ (có bổ sung, phân tích, nhấn mạnh, chỉnh sửa nhưng không đáng kể gì, gần như nguyên bản), theo tôi rất thực tế, rất bổ ích, lí do vì sao xin hãy đọc hết bài viết này. Bản thân tôi cũng đã từng giảng dạy trên 10 năm, đi dự giờ đồng nghiệp cũng rất nhiều nhưng khi đọc bài này tôi thấy bản thân và quý thầy cô chúng ta còn thiếu nhiều vấn đề về lí luận và thực tiễn.
PHƯƠNG PHÁP VÀ KỸ THUẬT DẠY HỌC HIỆU QUẢ

SƯU TẦM, GIỚI THIỆU VÀ CHIA SẺ:

ÔN LẠI ĐỂ TÍCH LŨY VỀ PPDH Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG

Lời giới thiệu:

* Đây là bài tôi sưu tầm của một Thạc sĩ (có bổ sung, phân tích, nhấn mạnh, chỉnh sửa nhưng không đáng kể gì, gần như nguyên bản), theo tôi rất thực tế, rất bổ ích, lí do vì sao xin hãy đọc hết bài viết này. Bản thân tôi cũng đã từng giảng dạy trên 10 năm, đi dự giờ đồng nghiệp cũng rất nhiều nhưng khi đọc bài này tôi thấy bản thân và quý thầy cô chúng ta còn thiếu nhiều vấn đề về lí luận và thực tiễn. Bài viết dưới đây sẽ gợi mở và và bắt mỗi chúng ta phải suy nghĩ lại những gì mình đã và đang dạy cho học sinh nhưng còn nhiều hạn chế, vì thế nên còn một số học sinh, đặc biệt là những học sinh hạn chế về năng lực không hiểu chúng ta dạy gì, không làm được bài, rồi chán nản, mất căn bản…

* Đây là bài viết về PP&KT dạy môn Vật lý, nhưng theo tôi có rất nhiều nội dung dùng được cho tất cả các môn ở rất nhiều khía cạnh về PPDH.

* Bài viết này là một món quà nhỏ dành cho những thầy, cô giáo tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với bản thân và với các em học sinh của mình.

I. Một số định hướng chung của việc soạn giảng

1.1. Đặt ra mục tiêu bài học thật rõ ràng:

Mục tiêu chính là kết quả sau khi kết thúc bài học học sinh cần nhớ, cần hiểu và cần vận dụng được những gì (3 mức độ ban đầu trong thang nhận thức Bloom).

Mục tiêu bài học phải chi tiết, cụ thể và được thể hiện bằng các động từ cụ thể như nêu được, phát biểu được, giải thích được, áp dụng được, tóm tắt được, so sánh được...Không viết mục tiêu chung chung, không rõ ràng. GV cần thuộc lòng mục tiêu bài dạy trước khi lên lớp; sau mỗi tiết học giáo viên có thể kiểm tra xem học sinh đã đạt được những mục tiêu mà mình để ra chưa một cách nghiêm túc?


 

* Trong thực tế, một số tiết dạy, chúng ta đưa ra mục tiêu thiếu tính cụ thể, đặc biệt là mục tiêu về kỹ năng và thái độ hay bị lặp lại trong các bài…

1.2. Luôn chủ động linh hoạt tìm mạch lôgic để: làm cho bài giảng được hay, hấp dẫn, lôgic về nội dung, về thời gian, về quá trình; không quá phụ thuộc vào SGK, có thể sử dụng lôgic hình thành kiến thức theo phương án khác SGK hoặc đảo thứ tự các phần, các nội dung trong bài miễn sao đạt được mục tiêu bài dạy.

* Đây là một trong những hạn chế rất lớn của chúng ta, các nội dung được tiến hành một cách rời rạc, gần như không có sự chuyển tiếp từ phần này sang phần khác, bài dạy không có cấu chặt chẽ, logic.

1.3.  Lựa chọn và cung cấp lượng kiến thức phù hợp với trình độ và khả năng nhận thức của học sinh: Trên cơ sở mục tiêu đã biên soạn, giáo viên nên lựa chọn những vấn đề kiến thức phù hợp với đối tượng, không quá nặng nề phức tạp (nhưng vẫn đảm bảo là kiến thức trọng tâm, vẫn phải nằm trong mục tiêu của bài và có sự phát triển nâng cao cho số ít đối tượng tùy mức độ của các em có trong lớp đó). Với những phép chứng minh, giải thích quá phức tạp, rắc rối, học sinh không thể hiểu được thì có thể cho học sinh công nhận kết quả rồi tìm cách áp dụng vào các trường hợp cụ thể, phần chứng minh có thể yêu cầu những em học sinh khá về nhà đọc sách tự tìm hiểu.

* Hình như đây là phần mà đa số giáo viên quan tâm và làm “được nhất”, nhưng như vậy là chưa đủ, do chúng ta chưa xác định được một cách tương đối chính xác về năng lực của các đối tượng đê có được những kiến thức cần đưa thêm cho đối tượng này, đối tượng kia…

1.4. Trong mỗi giờ học sử dụng nhiều PPGD: Có nhiều PP trong giảng dạy môn Vật lý như: thuyết trình, phát vấn, tổ chức thảo luận nhóm, tổ chức làm việc cá nhân, trực quan (khai thác phương tiện dạy học)... Giáo viên cần căn cứ vào nội dung kiến thức và đối tượng học sinh để lựa chọn các PP phù hợp trong giờ dạy (Xác định trong bài học và ứng với đối tượng học sinh cụ thể chỗ nào nên thuyết trình, chỗ nào nên đặt câu hỏi dẫn dắt, chỗ nào nên tổ chức thảo luận nhóm, làm việc cá nhân...) Những nội dung này cần được thể hiện thật cụ thể trong giáo án; Trong mỗi giờ học phải sử dụng từ 2 đến 3 PP trở lên để tránh sự nhàm chán đồng thời phát huy tốt tính tích cực của học sinh.

* Thông thường ta thường chỉ sử dụng 1,2 phương pháp truyền thống để dạy cho xong bài, trừ khi có …đặc biệt là việc sử dụng phương tiện có lẽ là yếu nhất trong tiến trình tiết dạy của tất cả thầy cô, gần như dạy chay hết.

1.5. Trên cơ sở của định hướng trên ta đi vào các PP và kĩ thuật dạy học cụ thể, đây là phần thể hiện hoạt động của giáo viên và học sinh trong giờ học nhằm đạt được mục tiêu đã đặt ra.

II. Phương pháp và kỹ thuật dạy học một số loại giờ học khác nhau

2.1. Dạy giờ lý thuyết

2.1.1. Đối với một giờ lý thuyết thì những hoạt động mà giáo viên thường được tiến hành gồm 7 bước sau đây:

1) Dẫn dắt vào vấn đề (nêu vấn đề);(ít khi làm, trừ khi có dự giờ, thao giảng...)

2) Đặt câu hỏi gợi mở, điều khiển sự trả lời của học sinh; (câu hỏi không khoa học, không chuẩn xác, không hấp dẫn…, không cần tư duy vẫn trả lời được)

3) Thuyết trình, phân tích; (có lẽ đây là khâu làm tốt nhất)

4) Làm thí nghiệm; (vô cùng hạn chế)

5) Khai thác các phương tiện dạy học; (rất hạn chế)

6) Chia nhóm, tổ chức thảo luận; (đã làm nhưng rất ít, chưa đúng kỹ thuật, còn mang hình thức, chưa hiệu quả cao)

7) Tạo sự hứng thú cho lớp học (quan trọng nhưng chúng ta chưa làm tốt, thậm chí còn là dở).

* Bảy hoạt động này cần được kết hợp với nhau một cách chặt chẽ và khéo léo sao cho đạt được 3 mục đích:

- Học sinh tích cực hoạt động;

- Học sinh đạt được những mục tiêu mà giáo viên đã đề ra;

- Học sinh hứng thú đối với giờ học.

2.1.2. Phân tích từng hoạt động cụ thể trong một tiết dạy trên lớp:

A) Hoạt động 1: Dẫn dắt nêu vấn đề

Dẫn dắt nêu vấn đề: là hoạt động thường tiến hành ở đầu bài học hoặc ở đầu mỗi phần trong bài. Hoạt động này có tác dụng tập trung sự chú ‎ý của học sinh vào nội dung mà giáo viên sắp trình bày. Để hoạt động này tiến hành có hiệu quả thì cần phải làm cho học sinh cảm thấy tò mò về vấn đề mà giáo viên sắp trình bày. Muốn vậy vấn đề mà giáo viên dẫn dắt phải mới, lạ và hứng thú đối với học sinh. Dưới đây là một số cách dẫn dắt vào vấn đề mà giáo viên có thể tiến hành:

- Nêu một tình huống thực tế có liên quan đến bài học và khẳng định  học sinh sẽ giải thích được hiện tượng nếu như học xong bài học;

- Đặt một câu hỏi thực tế liên quan đến bài mà học sinh chưa trả lời được (tình huống mới lạ);

- Làm một thí nghiệm mà kết quả có một điểm mới, lạ đối với học sinh;

- Kể một câu chuyện có liên quan đến bài học....

B) Hoạt động 2: Đặt câu hỏi gợi mở, điều khiển sự trả lời của học sinh

- Việc chuyển đổi nội dung kiến thức bài học thành một hệ thống các câu hỏi sẽ khơi dậy sự tò mò tìm hiểu về bài học, từ đó học sinh chủ động khám phá kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy giáo, giờ dạy trở nên hào hứng, sinh động, học sinh thực sự trở thành chủ động nắm kiến thức của bài, chất lượng, hiệu quả giờ dạy tăng lên rất nhiều.

- Hệ thống câu hỏi trong dạy học có ý nghĩa cực kì quan trọng trong việc làm cho bài giảng thực sự tạo được tình huống có vấn đề từ đó phát huy tính tích cực của học sinh trong học tập. Để xây dựng được một hệ thống câu hỏi đạt yêu cầu đòi hỏi người thầy phải dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, tìm tòi, cân chỉnh, rút kinh nghiệm qua soạn bài, qua sự thể hiện ở các giờ lên lớp, qua nhiều năm công tác.

- Mỗi tiết dạy đưa ra nhiều hay ít câu hỏi, còn tùy thuộc vào từng bài và đối tượng học sinh; điều quan trọng nhất là đưa ra được các câu hỏi cần thiết vừa đủ, có chất lượng, có tác dụng thiết thực tạo được các tình huống có vấn đề, kích thích tư duy của học sinh khám phá kiến thức. Có bài hầu như chỉ phù hợp với phương pháp thuyết trình, tuy nhiên nếu chịu khó tìm tòi, cân nhắc chúng ta vẫn có cơ hội đưa ra được một số câu hỏi tạo tình huống có vấn đề làm tăng hiệu quả giờ dạy.

B1) Yêu cầu đối với câu hỏi

- Câu hỏi có tác dụng đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ, động não mới làm sáng tỏ được những điều mà giáo viên đặt ra.

- Câu hỏi dựa trên những kinh nghiệm hoặc kiến thức bài cũ mà học sinh đã học, đã biết.

- Câu hỏi có tính định hướng đến nội dung kiến thức mà giáo viên muốn học sinh chiếm lĩnh, tránh những câu hỏi vu vơ không liên quan.

- Câu hỏi cần có hệ thống gợi ý, dẫn dắt để học sinh trả lời các ý, từ đó hoàn chỉnh vấn đề cần trả lời.

B2) Những câu hỏi không nên dùng

Câu hỏi là phương tiện cần thiết cho việc dạy theo PP nêu vấn đề, thực tế cho thấy để đưa ra được các câu hỏi đạt yêu cầu quả không phải dễ dàng, có không ít câu hỏi sử dụng đã tạo ra tác dụng ngược lại làm cho giờ dạy nhạt nhẽo, lủng củng, lãng phí thời gian, tạo dấu ấn rất mờ nhạt, không có giá trị phát huy tính tích cực của học sinh. Cụ thể:

- Câu hỏi không dựa trên kinh nghiệm hoặc nền kiến thức cũ: Những câu hỏi loại này thường làm học sinh lúng túng và thường phản ứng bằng cách đoán mò hoặc đọc SGK tìm câu trả lời.

- Câu hỏi không định hướng: Khó xác định hoặc xác định sai yêu cầu, điều này làm học sinh rối trí, mất nhiều thời gian đồng thời không hoàn thành được yêu cầu thầy giáo đặt ra; dạng câu hỏi này thực tế dẫn tới người giải quyết vấn đề lại chính là thầy giáo.

- Câu hỏi quá dài, học sinh không thể nhớ hết nội dung câu hỏi.

- Các câu hỏi quá đơn giản không có giá trị phát huy trí lực học sinh, các câu hỏi vụn vặt với những trả lời như: có, không, đúng ạ... loại câu hỏi này đưa ra vừa làm mất thời gian vừa làm cho giờ dạy đơn điệu nhạt nhẽo.

- Câu hỏi đưa ra mà nội dung trả lời có sẵn trong SGK, học sinh không cần phải động não, không cần ghi nhớ, chỉ cần đọc đúng là trả lời được vấn đề mà thầy giáo nêu lên.

B3) Kĩ thuật đặt câu hỏi

Bên cạnh hệ thống câu hỏi đã chuẩn bị thì cách hỏi và điều khiển sự trả lời của học sinh cũng rất quan trọng.

Để việc khai thác hệ thống câu hỏi đạt kết quả cao chúng ta lưu ý một số điểm sau đây:

- Câu hỏi nêu ra phải chỉ rõ đối tượng trả lời, tránh tình trạng hỏi chung chung rồi sau đó giáo viên tự trả lời;

- Khi đặt câu hỏi phải cho học sinh thời gian suy nghĩ, tránh việc nêu câu hỏi ra rồi bắt trả lời luôn (có thể nói từ từ, nhấn mạnh, lặp đi lặp lại một vài lần);

- Với một câu hỏi có thể hỏi ‎gọi một vài học sinh trả lời, nhận xét trả lời để kiểm tra sự nhận thức của các em;

- Khi HS trả lời câu hỏi xong thì dù trả lời đúng hay sai cũng nên khen, điều này làm học sinh tăng sự tự tin trong việc suy nghĩ và trả lời câu hỏi của giáo viên.

- Nếu học sinh không trả lời được thì có thể sử dụng gợi ‎ý cho câu hỏi hoặc gọi học sinh khác, tránh việc dừng quá lâu trước một học sinh sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bài giảng.

- Đối với việc sử dụng khai thác các câu hỏi gợi ‎ý trong SGK, tránh việc dùng cụm từ "các em hãy đọc C1 và trả lời C 1". Giáo viên cần nêu hẳn câu hỏi lên và cho học sinh suy nghĩ trả lời.

- Nên có hệ thống câu hỏi chọn lọc phù hợp với đối tượng học sinh. Đối với học sinh trung bình, yếu nên cho trả lời những câu hỏi đơn giản, dễ dàng; đối với học sinh khá giỏi nên cho trả lời những câu hỏi cần suy luận nhiều hơn.

- Nếu là câu hỏi có dạng đúng, sai thì phải yêu cầu HS giải thích câu trả lời của mình.

- Không nên đưa ra quá nhiều câu hỏi trong một bài học: điều này sẽ làm cho bài giảng nát vụn ra, mất tính hệ thống, giờ giảng bị căng, học sinh mệt mỏi, tốn nhiều thời gian, các kiến thức cốt lõi ít được giảng giải phân tích.

Hệ thống câu hỏi là yếu tố rất quan trọng đối với bài giảng, giáo viên cần đầu tư thời gian, công sức biên soạn hệ thống câu hỏi thể hiện rõ trong giáo án đồng thời nắm vững những kĩ thuật hỏi để việc khai thác câu hỏi đạt kết quả cao nhất.

C. Hoạt động 3: Thuyết trình, phân tích, diễn giảng

Đây là hoạt động không thể thiếu và chiếm thời gian đáng kể trong giờ học, hoạt động này thường kết hợp với hoạt động phát vấn (đặt câu hỏi).

 Sau đây chúng ta cùng phân tích đặc điểm cũng như những điểm lưu ý khi thực hiện hoạt động này.

C1) Khi nào cần phân tích, thuyết trình, diễn giảng?

- Những khái niệm mới;

- Những vấn đề khó;

- Những hiện tượng vật lí mới;

- Những định luật vật lí;

- Những ứng dụng vật lí;

- Những giả thuyết vật lí.

C2) Để việc phân tích, thuyết trình, diễn giảng đạt hiệu quả cần lưu ý:

- Lời nói, trình bày của người thầy phải sinh động: việc tạo cho giờ dạy có tính sinh động có ý nghĩa cực kì quan trọng, chúng ta đã từng chứng kiến cùng một bài dạy được trình bày với cung cách và ngôn ngữ giống nhau song do sự khác nhau trong trạng thái tâm lí mà có lớp giờ giảng rất sinh động, học sinh tiếp thu hào hứng, đưa lại hiệu quả cao, người ta thường gọi đó là bài giảng có hồn. Có lớp giờ giảng diễn ra một cách nhạt nhẽo, buồn tẻ, nặng nề, mặc dù hoàn thành nhưng hiệu quả rất thấp, những dấu ấn của bài giảng để lại trong trí não học sinh rất mờ nhạt, đó là những bài giảng không có hồn.

- Sự sinh động trong tiết học liên quan đến rất nhiều yếu tố: chuẩn bị bài kĩ lưỡng, nắm chắc, hiểu sâu, biết rộng những điều trình bày, lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm đối với học sinh. Giáo viên phải luôn có tâm thế hào hứng đón chờ giờ dạy, thả hồn vào giờ dạy, có lòng bao dung, xử lí một cách mềm dẻo, có chừng mực đối với các tình huống không bình thường mà học sinh có thể bộc lộ trong giờ dạy. Sự hào hứng trong lời giảng của thầy sẽ khơi dậy, lôi cuốn sự hào hứng tiếp thu và xây dựng bài của học sinh.

- Để tạo sự sinh động trong giảng bài thì cần sử dụng ngôn ngữ gần gũi với HS, không nhất thiết chỉ toàn sử dụng những thuật ngữ khoa học khô khan, nên sử dụng những hình ảnh gần gũi dễ nhận biết, so sánh sự tương đương giữa hiện tượng vật lí với hiện tượng trong cuộc sống, giọng điệu phải thay đổi tránh giữ chất giọng đều đều suốt cả giờ học, đôi khi pha thêm một vài câu đùa vui hóm hỉnh.

- Tích cực khai thác, sử dụng kênh hình trong việc phân tích, thuyết trình: Kênh hình ở đây có thể là hình vẽ trong SGK, hình vẽ chuẩn bị sẵn, các hình ảnh, video mà giáo viên đã chuẩn bị hoặc hình vẽ do giáo viên vẽ lên bảng trong giờ học. Việc đưa ra hình vẽ, hình ảnh rồi phân tích hiện tượng, quá trình ngay trên hình vẽ, hình ảnh có tác dụng giúp học sinh dễ hình dung, tưởng tượng ra hiện tượng, quá trình từ đó nắm bài tốt hơn so với việc giáo viên chỉ nói mà không có bất cứ hình vẽ, hình ảnh nào.

- Sử dụng mô hình tương đồng giữa khái niệm, hiện tượng trong vật lí với khái niệm hiện tượng trong cuộc sống quen thuộc đối với học sinh. Ví dụ so sánh sự tương đồng của dòng điện với dòng nước, hiệu điện thế với hiệu độ cao.....

- Nêu ví dụ và phân tích ví dụ khi cần trình bày một khái niệm, định luật phức tạp: Một khái niệm khó nếu học sinh chỉ đọc định nghĩa và công thức có thể chưa hiểu ngay, giáo viên cần nêu và phân tích một vài ví dụ về khái niệm, định luật đó; Điều này không những giúp học sinh hiểu ngay tại lớp mà còn giúp cho việc làm bài tập của học sinh.

- Kết hợp chặt chẽ việc thuyết trình, diễn giảng với việc đặt câu hỏi và điều khiển sự trả lời của học sinh: không nên thuyết trình quá dài mà nên có câu hỏi xen giữa các nội dung thuyết trình. Điều này giúp cho học sinh vừa phải lắng nghe, quan sát vừa phải suy nghĩ để trả lời câu hỏi của giáo viên

D) Hoạt động 4:Làm thí nghiệm

Trong dạy học môn Vật lí, làm thí nghiệm là một hoạt động khá đặc trưng của bộ môn. Đối với các giờ lí thuyết thì thí nghiệm bao gồm hai loại là thí nghiệm biểu diễn của thầy và thí nghiệm đồng loạt của trò.

Chúng ta phân tích đặc điểm và kĩ thuật tiến hành các loại thí nghiệm trên.

D1) Thí nghiệm biểu diễn của thầy:

Ở loại thí nghiệm này giáo viên sẽ tiến hành thí nghiệm biểu diễn để khảo sát hoặc minh họa một hiện tượng, quá trình, định luật nào đó. Để tiến hành một cách hiệu quả chúng ta lưu ý những điểm sau:

- Trước khi làm thí nghiệm:

+ Giới thiệu mục đích thí nghiệm: đây là điều đầu tiên giáo viên cần làm trước khi tiến hành thí nghiệm; học sinh phải biết là thí nghiệm này để làm gì để từ đó tập trung vào những chỗ cốt lõi, chủ yếu trong kết quả thí nghiệm.

+ Giới thiệu dụng cụ thí nghiệm: nêu những bộ phận và tác dụng của từng bộ phận trong thí nghiệm; không cần quá đi sâu vào chi tiết kĩ thuật chỉ cần giới thiệu tên gọi, sơ lược cơ chế hoạt động và tác dụng của bộ phận.

+ Hướng dẫn học sinh tập trung quan sát vào kết quả cốt lõi của thí nghiệm, tránh tập trung vào những kết quả không chủ yếu (xa mục đích).

- Khi làm thí nghiệm:

+ Kết hợp vừa thuyết trình, phân tích vừa tiến hành thí nghiệm.

+ Kết hợp vừa làm thí nghiệm vừa đặt câu hỏi cho học sinh ví dụ như đang làm thí nghiệm thì dừng lại, yêu cầu học sinh dự đoán điều sắp xảy ra, yêu cầu học sinh suy nghĩ để lí giải kết quả thí nghiệm...

+ Hướng dẫn học sinh phân tích, xử lí số liệu thu được từ thí nghiệm.

+ Chốt lại kết luận sau khi làm xong thí nghiệm và xử lí xong dữ liệu.

Về mặt kĩ thuật cần lưu ý: Thí nghiệm phải bố trí cho cả lớp đều quan sát được. Nếu dụng cụ quá nhỏ không thể quan sát cả lớp có thể gọi từng bàn lên quan sát lần lượt.

D2) Thí nghiệm đồng loạt của trò:

Hoạt động này thường tiến hành khi nội dung của thí nghiệm là đơn giản và có đủ dụng cụ cho các nhóm trong lớp tiến hành đồng loạt. Khi tổ chức cho học sinh làm thí nghiệm đồng loạt tại lớp cần lưu tâm những điểm sau:

- Trước khi làm thí nghiệm: giáo viên cần chia nhóm, giới thiệu mục đích thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm, hướng dẫn học sinh quan sát kết quả cốt lõi của thí nghiệm, nêu khoảng thời gian cho thí nghiệm.

- Trong khi làm thí nghiệm: theo dõi hoạt động của các nhóm, hướng dẫn những nhóm chưa làm được thí nghiệm, đặt câu hỏi cho các nhóm trong quá trình làm thí nghiệm.

- Kết thúc thí nghiệm: hướng dẫn học sinh xử lí số liệu, rút ra kết luận, giáo viên chốt lại.

E) Hoạt động 5: Khai thác các phương tiện dạy học

Đây là hoạt động tiến hành song song đồng thời với các hoạt động trên; các phương tiện dạy học cơ bản gồm: Bảng, SGK của học sinh, bảng phụ, máy tính, máy chiếu, dụng cụ thí nghiệm... Chúng ta cùng phân tích cách khai thác hiệu quả các phương tiện chủ yếu hay dùng nhất trong các giờ dạy lí thuyết vật lí.

E1) Sử dụng khai thác Bảng

- Đảm bảo hài hoà giữa trả lời của học sinh với lời giảng và việc ghi bảng của thầy, điều này tưởng như đơn giản nhưng thực tế không ít giáo viên thực hiện không thành công. Lỗi thường mắc phải trong trường hợp này là: thầy giáo nêu câu hỏi, học sinh trả lời, thầy giảng giải, phân tích xong và cuối cùng là ghi bảng. Cách làm này tạo ra sự khập khểnh, không hài hoà, không ăn khớp giữa hoạt động của thầy và trò, tốn thời gian và làm cho giờ giảng giảm bớt tính sinh động. Để thực hiện sự hài hòa này giáo viên có thể chốt ghi bảng theo sự trả lời của học sinh hoặc có thể cho học sinh lên bảng ghi nội dung vừa kết luận.

- Những nội dung trình bày trên bảng là những nội dung cô đọng thể hiện chuẩn kiến thức kĩ năng của bài. Thông thường ở trên bảng sẽ là các tiêu đề, các công thức, kết luận quan trọng, nội dung vừa đủ, không quá dài, không quá ngắn.

- Nên có một phần trên bảng để tự do thể hiện ý tưởng của GV hoặc HS (viết, vẽ xong rồi xóa) bên cạnh phần cố định trình bày kiến thức theo nội dung.

E2) Sử dụng, khai thác sách giáo khoa

* Một trong những đổi mới trong PPDH hiện nay đó là rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, vì vậy SGK trở thành một phương tiện dùng cho mục đích này và sử dụng trong các trường hợp sau:

- Nghiên cứu SGK để rút ra các kết luận về mặt lí thuyết hoặc so sánh các kiến thức các nội dung liên quan...

- Từ vốn kiến thức trong SGK, giải thích các tình huống lí thuyết hoặc thực tiễn đặt ra (ví dụ trả lời các lệnh trong SGK).

- Từ các hình ảnh, biểu đồ học sinh phân tích so sánh và rút ra các kết luận cần thiết theo yêu cầu của bài học.

- Hình ảnh, biểu đồ được sử dụng minh họa giúp học sinh hiểu thêm những điều mà thầy giáo trình bày.

- Một số nội dung được nêu trong sách giáo khoa không phải là kiến thức cốt lõi và đơn giản học sinh có thể tự đọc để hiểu.

* Tình trạng đáng lưu ý hiện nay đó là một bộ phận giáo viên lạm dụng SGK trong quá trình giảng dạy, thể hiện:

- Câu hỏi đưa ra mà nội dung trả lời có sẵn trong SGK, học sinh không cần phải động não, không cần ghi nhớ, chỉ cần đọc đúng là trả lời được vấn đề mà thầy giáo nêu lên.

- Giáo viên phát phiếu học tập, câu hỏi nêu lên trong phiếu học sinh chỉ cần dựa vào SGK chép lại nguyên xi là đạt yêu cầu...

* Việc sử dụng SGK theo cung cách nêu trên sẽ dần dần hình thành tật xấu cho HS đó là cứ mỗi khi GV đưa ra câu hỏi, HS không động não, không tư duy mà nhanh chóng nhìn vào SGK để tìm câu trả lời. Với cách làm này giờ dạy diễn ra có vẻ trôi chảy nhẹ nhàng và hình như một bộ phận đáng kể GV và nhiều em học sinh cũng thích cách làm này vì việc học tập diễn ra thật dễ dàng khỏe khoắn, thầy giáo thậm chí không cần đọc SGK và soạn bài trước mà đến lớp cùng học trò đọc luôn thể. Tuy nhiên hiệu quả giờ dạy rất thấp, dấu ấn các kiến thức được khắc họa trong trí não học sinh rất mờ nhạt, không đạt được các yêu cầu và mục tiêu của việc dạy học. Các câu hỏi mà GV đưa ra không những không phát huy tính tích cực mà trái lại làm cho học sinh có thói quen trông chờ ỷ lại, ít cố gắng, lười biếng - đây là điều luôn cần tránh trong các giờ dạy.

* Để khai thác SGK một các có hiệu quả giáo viên cần:

- Tạo ra cho học sinh nhu cầu muốn tìm hiểu, muốn đọc SGK: Có thể thông qua một hiện tượng thực tế, một câu hỏi định tính nào đó tạo sự tò mò mà câu trả lời sẽ có sau khi đọc xong nội dung cần tìm hiểu trong SGK. Điều này sẽ có tác dụng kích thích sự ham muốn đọc sách để trả lời vấn đề mà giáo viên nêu ra.

- Thưởng điểm cho các em thông qua việc đọc SGK để trả lời câu hỏi.

- Hướng dẫn học sinh tự đọc những nội dung không cốt lõi, không quan trọng trong sách giáo khoa.

- Câu lệnh hướng dẫn học sinh đọc, khai thác sử dụng sách giáo khoa phải rõ ràng, chính xác.

E3) Sử dụng dụng cụ thí nghiệm (xem phần làm thí nghiệm ở trên)

E4) Sử dụng máy tính, máy chiếu, hình vẽ, bảng phụ: tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Kết hợp sử dụng các dụng cụ trên với thuyết trình phân tích và đặt hệ thống câu hỏi hợp lí.

- Sử dụng vừa đủ, không tràn lan, không làm dụng, không biến việc sử dụng phương tiện thành mục đích của bài dạy.

F) Hoạt động 6: Tổ chức hoạt động nhóm

Tổ chức hoạt động nhóm là một hoạt động có thể phát huy rất tốt tính tích cực chủ động của học sinh trong giờ học tuy nhiên đó cũng là con dao 2 lưỡi. Nếu thực hiện tốt thì học sinh sẽ rất tích cực, chủ động xây dựng và nắm kiến thức, hứng thú với tiết học còn nếu thực hiện không tốt thì có thể làm giờ học trở nên hỗn loạn, khó kiểm soát.

Chúng ta phân tích các đặc điểm của hoạt động này.

F1) Tổ chức hoạt động nhóm với những hoạt động như thế nào?

Thường tổ chức hoạt động nhóm cho học sinh đối với các trường hợp sau:

- Sử dụng thí nghiệm đồng loạt để kiểm chứng, minh họa, khảo sát quy luật, hiện tượng.

- Vấn đề nêu ra để luận không quá trừu tượng phức tạp để học sinh có thể thảo luận để đi đến kết luận ảo nhưng cũng không quá dễ dàng đối với học sinh.

F2) Cách thức tổ chức hoạt động:

- Chia nhóm: Giáo viên là người tiến hành chia nhóm. Số lượng nhóm và thành viên trong các nhóm tùy vào tình hình cụ thể của lớp học, cử nhóm trưởng, thư kí, đặt tên cho nhóm.

- Giao nhiệm vụ cho các nhóm: nhiệm vụ giao cho các nhóm phải chi tiết, cụ thể rõ ràng, giáo viên có thể hướng dẫn phân tích cách làm.

- Dự kiến thời gian hoạt động của các nhóm, quan sát, bao quát hoạt động của các nhóm.

- Nghiệm thu sản phẩm của các nhóm, yêu cầu các nhóm nhận xét kết quả

- Kết luận và chốt lại.

G) Hoạt động 7: Tạo sự hứng thú trong giờ học

 

 

* Việc tạo sự hứng thú trong giờ học có vai khá quan trọng, nó giúp cho học sinh cảm thấy yêu thích môn học hơn từ đó việc chủ động lĩnh hội kiến thức sẽ đạt hiệu quả hơn; Tuy vậy vấn đề này thường không được nhiều giáo viên để tâm đến; Nhiều người thường cố gắng hoàn thành bài giảng dưới dạng tròn vai mà không chú ‎ tâm đến các biện pháp giúp tạo sự hứng thú cho học sinh trong giờ học; Làm thế nào để học sinh có hứng thú trong giờ học? thực ra để đạt được điều này dựa nhiều vào kinh nghiệm, sự nhiệt tình của giáo viên và đặc điểm của học sinh.

* Chúng ta cùng phân tích một vài biện pháp giúp tăng sự hứng thú của học sinh trong giờ học.

- Tạo điều kiện cho học sinh được làm thí nghiệm hoặc quan sát thí nghiệm: trong quá trình học sinh tự làm hoặc quan sát, dự đoán, phân tích, lí giải thí nghiệm học sinh sẽ tự xây dựng và chiếm lĩnh kiến thức cho mình đồng thời tăng thêm sự hứng thú đối với môn học

- Sử dụng các quá trình mô phỏng bằng hình ảnh, video, phần mềm, trình chiếu. Nếu giáo viên khai thác tốt (kết hợp với kĩ thuật thuyết trình và phát vấn) và sử dụng hợp lí (vừa mức, không sa đà) thì hiệu quả giờ học sẽ rất cao đồng thời học sinh sẽ rất hứng thú.

- Trong quá trình giảng dạy sử dụng ngôn từ tự nhiên, sinh động, không khô khan, cứng nhắc, không quá nhiều thuật ngữ phức tạp, khó hiểu (có thể thay thế bằng từ hoặc cụm từ khác dễ hiểu hơn miễn là chính xác).

- Khen ngợi học sinh đúng lúc và đúng chỗ (sau khi học sinh trả lời câu hỏi, có thể cho điểm thưởng). Tuyệt đối không mạt sát xúc phạm học sinh.

- Kể thêm các câu chuyện bên ngoài có liên quan đến nội dung bài học như chuyện về các danh nhân, lịch sử phát minh, hiện tượng thực tế ...

- Tổ chức nhiều hoạt động học tập mới lạ dạng học mà chơi như mô phỏng các trò chơi trên truyền hình.

- Hài hước và tế nhị trong nhắc nhở học sinh.

- Khuyến khích học sinh nêu câu hỏi để hỏi lẫn nhau hoặc hỏi ngược lại giáo viên (có thể thưởng điểm nếu câu hỏi hay)

Các hoạt động gây hứng thú cho học sinh có thể tiến hành vào đầu buổi hoặc song song cùng các hoạt động khác trong suốt cả buổi học; Vấn đề quan trọng nhất là tạo được sự hứng thú cao đối với học sinh.

Trên đây là 7 hoạt động chủ yếu hay được tiến hành trong các giờ dạy lí thuyết môn Vật lí. Không phải bài nào cũng tiến hành đầy đủ cả 7 hoạt động này mà tùy từng bài cụ thể chúng ta lựa chọn cách thức trình bày và các hoạt động cho phù hợp. Những hoạt động trên cần được kết hợp với nhau một cách khéo léo và hợp lí sao cho hiệu quả giờ dạy đạt tốt nhất.

2.2. Phương pháp và kĩ thuật dạy tiết bài tập

2.2.1. Một số vấn đề còn tồn tại của tiết bài tập vật lí

- Tiết bài tập rất khó dạy, ở chỗ không có một thiết kế nào cụ thể, tuỳ thuộc vào khả năng tiếp thu của học sinh, của chương trình. Nếu không xác định đúng mục tiêu rất dễ đi vào sự đơn điệu.

- Một số giáo viên còn xem nhẹ tiết bài tập, chỉ dừng lại khi giải xong các bài tập ở sách giáo khoa.

- Thiết kế tiết dạy thường không có sự khái quát, kết luận về từng vấn đề, nên học sinh khó có thể nêu lên được phương pháp giải bài tập liên quan.

- Đa số bài tập ở SGK chỉ dừng lại ở mức độ củng cố, và còn thiếu so với lượng kiến thức đã nêu trong lý thuyết do đó dẫn đến tình trạng: học sinh khá giỏi không thể phát huy được khả năng, học sinh ở mức độ trung bình trở xuống thì bế tắc khi gặp dạng bài tập khác.

- Tiết bài tập trong phân phối chương trình còn ít.

- Kĩ năng vận dụng kiến thức Toán cho việc giải bài tập còn hạn chế đối với một bộ phận không nhỏ học sinh.

- Trong bộ sách ban cơ bản, một số đơn vị kiến thức không trình bày nhưng lại cho bài tập trong sách bài tập, nếu giáo viên không chịu tìm hiểu thì học sinh không biết đâu mà giải khi gặp loại bài tập như vậy.

2.2.2. Phân loại và phương pháp giải bài tập vật lý

* Bài tập vật lý có thể chia làm 4 loại như sau:

- Bài tập vật lý định tính (còn có các tên gọi khác như câu hỏi định tính, câu hỏi thực tế..);

- Bài tập vật lý định lượng;

- Bài tập đồ thị;

- Bài tập thí nghiệm;

* Chúng ta phân tích đặc điểm và phương pháp giải của từng dạng:

2.2.2.1. Bài tập vật lý định tính hay bài tập câu hỏi lý thuyết

A. Đặc điểm

- Là bài tập mà học sinh không cần phải tính toán (Hay chỉ có các phép toán đơn giản) mà chỉ vận dụng các định luật, định lý, qui luật để giải tích hiện tượng thông qua các lâp luận có căn cứ, có lôgic.

- Nội dung của các câu hỏi khá phong phú, và đòi hỏi phải vận dụng rất nhiều các kiến thức vật lý.

B. Các bước chung để giải bài tập định tính:

Thông thường để giải các bài toán này cần tiến hành theo các bước:

- Phân tích câu hỏi

- Phân tích hiện tượng vật lý có đề cập đến trong câu hỏi để từ đó xác định các định luật, khái niệm vật lý hay một qui tắc vật lý nào đó để giải quyết câu hỏi.

- Tổng hợp các điều kiện đã cho với các kiến thức tương ứng để trả lời.

2.2.2.2. Bài tập vật lý định lượng

A. Đặc điểm

* Đó là loại bài tập mà muốn giải quyết nó ta phải thực hiện một loạt các phép tính dựa vào mục đích dạy học ta có thể phân loại bài tập dạng này thành 2 loại:

- Bài tập tập dượt: Là bài tập đơn giản được sử dụng ngay khi nghiên cứu một khái niệm hay một qui tắc vật lý nào dó để học sinh vật dụng kiến thức vừa mới tiếp thu.

- Bài tập tổng hợp; Là những bài tập phức tạp mà muốn giải nó học sinh vận dụng nhiều kiến thức ở nhiều phần, nhiều chương, nhiều cấp học và thuộc nhiều lĩnh vực.

* Đặc biệt, khi các câu hỏi loại này được nêu dưới dạng trắc nghiệm khách quan thì yêu cầu học sinh phải nhớ kết quả cuối cùng đã dược chứng minh trước đó để giải nó một cách nhanh chóng vì vậy yêu cầu học sinh phải hiểu bài một cách sâu sắc để vận dụng kiến thức ở mức độ cao.

B. Các bước chung để giải:

Bước 1: Tìm hiểu đầu bài

Đọc kỹ đầu bài, vừa đọc vừa tóm tắt các dữ kiện, những cái cần phải tính. Trong bước này, chú ý phân tích kỹ để hiểu rõ những thuật ngữ đặc biệt của bài
(tất nhiên ai cũng phải thực hiện, nhưng nhiều học sinh mới đọc sơ qua đã vội làm bài nên làm sai hoặc không thể làm được do chưa nắm hết dữ kiện của bài).

Bước 2: Phân tích hiện tượng vật lý

Trong bước này phải vẽ hình, điền các thông số trên hình vẽ, phân tích xem quá trình vật lý xảy ra như thế nào, liên quan đến hiện tượng, định luật nào đã học (Bước này vô cùng quan trọng, nhờ nó mà ta mới xác định được hướng giải).

Bước 3: Lập các phương trình liên quan và giải

Dựa vào các hiện tượng, định luật mà bài toán liên quan ta thiết lập các phưong trình tương ứng; kiểm tra số ẩn và số phương trình lập được nếu bằng nhau thì đã đủ giải, nếu thiếu dựa vào những dữ kiện chưa được sủ dụng lập thêm cho đủ

Giải hệ PT để tìm những đại lượng mà bài yêu cầu (Chú ý, khi giải cần tuân thủ đúng các quy tắc toán học, chẳng hạn khi khai căn phải lấy hai giá trị +,- ...).

 Bước 4 : Biện luận

Xét xem các nghiệm toán học tìm được có phù hợp với ý nghĩa vật lý không, loại bỏ những nghiệm không phù hợp với vật lý.

2.2.2.3. Bài tập đồ thị

A. Đặc điểm

Đó là bài tập mà dữ kiện đề bài cho dưới dạng đồ thị hay trong quá trình giải nó ta phải sử dụng dồ thị ta có thể phân loại dạng câu hỏi nay thành các loại:

- Đọc và khai thác đồ thị đã cho: Bài tập loại này có tác dụng rèn luyện cho học sinh kỹ năng đọc đồ thị, biết cách đoán nhận sự thay đổi trạng thái của vật thể, hệ vật lý, của một hiện tượng hay một quá trình vật lý nào đó; biết cách khai thác từ đồ thị những dữ liệu để giải quyết một vấn đề cụ thể.

- Vẽ đồ thị theo những dữ liệu đã cho: bài tập này rèn luyện cho học sinh kỹ năng vẽ đồ thị, nhất là biết cách chọn hệ tọa độ và tỉ lệ xích thích hợp để vẽ đồ thị chính xác.

B. Các bước giải:

Đọc kỹ đầu bài bài, xác định yêu cầu của bài, xác định thông tin dựa vào các trục, đơn vị, dạng đồ thị, nhận xét về các cực trị, điểm đặc biệt để suy ra thông tin cần thiết. Khi vẽ cần chọn tỉ lệ và đơn vị thích hợp.

2.2.2.4. Bài tập thí nghiệm (xây dựng phương án thực nghiệm)

A. Đặc điểm

Đây là loại bài tập yêu cầu học sinh xây dựng phương án thực nghiệm để xác định một đại lượng hoặc kiểm tra một quy luật, một hiện tượng hoặc một điều kiện vật lý nào đó.

Loại bài tập này có 2 mức độ:

- Mức độ 1: Chỉ xây dựng phương án (tính toán lập luận trên giấy, không đo đạc, làm thí nghiệm thực)

- Mức độ 2: Tíên hành làm thí nghiệm thực theo phương án đã vạch ra.
Bài tập thí nghiêm tạo ra ở học sinh động cơ học tập, sự hăng say tò mò khám phá xậy dựng kiến thức mới, gây cho học sinh một sự hứng thú, tự giác tư duy độc lập, tích cực sáng tạo.

Thông qua bài tập thí nghiệm, học sinh sẽ có khả năng tổng hợp kiến thức lý thuyết và thực nghiêm, các kỹ năng hoạt động trí óc và thực hành một cách khéo léo, các vốn hiểu biết về vật lý, kĩ thuật và thực tế cuộc sống nhằm phát huy tốt nhất khả năng suy luận và tư duy lôgíc.

Với bài tập thí nghiệm, học sinh có thể đề xuất các phương án thí nghiệm khác nhau gây ra không khí tranh luận sôi nổi trong lớp học.

B. Các bước giải:

Bước 1: Đọc, hiểu đề bài

Bước 2: Phân tích nội dung bài tập thí nghiêm

Bước 3: Xác định phương án thí nghiệm

Bước 4: Tiến hành các thao tác thí nghiệm

Bước 5: Kiểm tra câu trả lời so với kết quả thí nghiệm.

2.2.3. Chuẩn bị của Giáo viên

Để thực hiện tốt một tiết dạy BT vật lý, GV cần chuẩn bị những yếu tố sau:

2.2.3.1. Xác định những kiến thức kỹ năng cần củng cố cho học sinh thông qua giờ bài tập đó: Thông thường giờ bài tập thường được bố trí sau từ 2 - 3 giờ lý thuyết, tác dụng của giờ bài tập ở đây thường là củng cố những kiến thức, kỹ năng đã học thông qua những giờ học lý thuyết trước đó, do đó giáo viên cần phải xác định chính xác và cụ thể những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần củng cố cho học sinh (ví dụ kĩ năng áp dụng định luật gì, kĩ năng giải thích hiện tượng gì, kĩ năng vẽ đồ thị, đọc đồ thị ....) để lựa chọn hệ thống bài tập thích hợp.

2.2.3.2. Lựa chọn hệ thống bài tập thích hợp: đây là một công việc rất quan trọng, để lựa chọn hệ thống bài tập phù hợp GV cần dựa vào việc xác định những kiến thức kỹ năng cần củng cố cho học sinh và trình độ của học sinh.

2.2.3.3. Sau đây là một số nguyên tắc về lựa chọn hệ thống bài tập:

- Loại hình bài tập phải đa dạng: nên gồm nhiều loại bài tập trong giờ dạy (cả bài tập định tính, định lượng, bài tập thí nghiệm ...), sử dụng kết hợp các loại bài tập đó một cách khéo léo, tránh chỉ sử dụng một loại bài tập duy nhất gây đơn điệu nhàm chán trong học sinh.

- Hệ thống bài tập phải phù hợp với trình độ của đa số học sinh, tránh đưa ra những bài tập quá dễ hoặc quá khó đối với trình độ chung của lớp.

- Hệ thống bài tập phải trải đều khắp phạm vi kiến thức kĩ năng muốn củng cố, tránh chỉ tập trung bài tập tập trung vào một chủ đề kiến thức rất hẹp nào đó.

2.2.4. Những hoạt động thường được tổ chức trong một giờ bài tập vật lý

1. Gọi học sinh lên bảng trình bày lời giải: đây là hoạt động thường được giáo viên áp dụng nhiều nhất trong các giờ bài tập; Ở hoạt động này giáo viên sẽ nêu bài tập (đã đưa ra cho học sinh về làm ở nhà), gọi học sinh lên bảng tóm tắt và trình bày lời giải, gọi học sinh khác nhận xét lời giải, GV tổng kết bài giải và kết luận.

Hoạt động này có những ưu điểm và nhược điểm cụ thể như sau:

- Ưu điểm:

+ Kiểm tra và biết được khả năng hiểu và vận dụng kiến thức của học sinh lên bảng chữa bài;

+ Có thể phân tích và chỉ ra lỗi của học sinh một cách trực tiếp;

+ Có thể rèn luyện cho học sinh kĩ năng trình bày bài tập.

- Nhược điểm:

+ Trong một giờ bài tập chỉ kiểm tra được một số ít học sinh của lớp;

+ Học sinh ở dưới lớp dễ mất trật tự nếu giáo viên không bao quát tốt.

Để hoạt động này được tiến hành một cách có hiệu quả giáo viên cần lưu ý những nội dung sau:

- Giao bài tập phù hợp với trình độ của học sinh: đối với một lớp thông thường có nhiều đối tượng học sinh với các mức độ học lực khác nhau nên khi giao bài tập giáo viên phải giao đúng đối tượng, bài tập đơn giản, dễ dành cho học sinh yếu và TB, bài tập phức tạp, nâng cao dành cho học sinh khá giỏi.

- Bao quát lớp, tổ chức các hoạt động khác trong khi học sinh đang chữa bài trên bảng: Trong khi học sinh đang chữa bài trên bảng giáo viên có thể kiểm tra bài tập về nhà của học sinh dưới lớp, đặt câu hỏi định tính, hoặc ra bài tập bổ sung cho học sinh...

- Phân tích kĩ những chỗ lỗi của học sinh: qua việc phân tích chỗ lỗi trong bài tập của học sinh để rèn cho cả lớp những kĩ năng còn yếu (kĩ năng đổi đơn vị, vẽ hình, tính toán, suy luận...)

- Tổng kết bài tập và chốt lại phương pháp giải cho cả lớp.

2. Hướng dẫn cả lớp giải chung một bài tập: Đây là một hoạt động cũng khá phổ biến trong các giờ bài tập. Ở hoạt động này giáo viên hướng dẫn học sinh cả lớp cùng giải chung một bài tập thông qua hệ thống câu hỏi; hoạt động này thường được tiến hành khi có những bài tập phức tạp, phải giải qua nhiều bước, ở trong lớp chỉ có một số ít học sinh giải được.

Chúng ta cùng phân tích đặc điểm của hoạt động này:

- Ưu điểm:

+ Nhiều học sinh trong lớp cùng tham gia vào quá trình giải bài;

+ Học sinh hiểu các bước suy luận giải bài toán thông qua các câu hỏi của giáo viên;

+ Giáo viên dễ bao quát lớp.

- Nhược điểm: Không phát hiện được những lỗi và những chỗ vướng mắc của học sinh khi giải bài tập;

Để hoạt động này được tiến hành một cách có hiệu quả giáo viên cần lưu ý những nội dung sau:

* Chuẩn bị hệ thống câu hỏi gợi ý dẫn dắt hợp lý: Đối với một bài tập, GV phải dự đoán được những chỗ khó mà học sinh hay mắc khi giải bài tập để từ đó lựa chọn câu hỏi, gợi ý dẫn dắt hợp lý.

Sau đây là một ví dụ về hệ thống câu hỏi dẫn dắt chung:

- Đọc, tóm tắt đề bài, đổi đơn vị, vẽ hình;

- Mô tả và tưởng tượng về hiện tượng nêu trong bài toán;

- Hiện tượng nêu trong bài toán có liên quan đến công thức đã học?

- Viết ra các công thức và phương trình có liên quan?

- Với các phương trình trên ta có xác định được cái cần tìm không?

- Cụm từ "............." trong bài có nghĩa như thế nào? Với cụm từ đó ta có thể biểu diễn bằng phương trình toán học như thế nào?

- Có thể giải PT/Hệ PT trên như thế nào?

- Kết quả thu được có hợp lý không? ................

* Linh hoạt trong quá trình đặt hệ thống câu hỏi gợi ý cho học sinh: Hệ thống câu hỏi, các yêu cầu phải phù hợp với đối tượng, không cứng nhắc trong việc đặt câu hỏi (nếu câu hỏi khó, lớp không trả lời được thì chia nhỏ câu hỏi đó thành những câu dễ hơn hoặc sử dụng sự liên tưởng, tưởng tượng để học sinh có thể trả lời được); sử dụng khéo léo kĩ thuật đặt câu hỏi (hỏi có đối tượng trả lời, khen học sinh sau khi trả lời, có thể cho điểm với những câu trả lời tốt...).

* Kết hợp tốt phần trình bày trên bảng với phần trả lời câu hỏi gợi ý của học sinh: Thông thường cứ sau những câu trả lời quan trọng có tác dụng định hướng lời giải của học sinh GV nên chốt lại trong phần trình bày bài giải trên bảng.

* Tổng kết và chốt lại phương pháp giải chung của bài toán.

3. Giao phiếu học tập và chia nhóm để học sinh giải bài tập tại lớp: Ở hoạt động này, GV chuẩn bị các bài tập ra phiếu, chia lớp thành các nhóm để làm bài tập trong các phiếu; HĐ này thường tiến hành khi GV đã tiến xong hoạt động 1 hoặc hoạt động 2 ở trên. Để hoạt động này tiến hành có hiệu quả GV cần lưu ý:

- Số lượng bài tập trong phiếu phải phù hợp với trình độ của học sinh.

- Chia nhóm và giao nhiệm vụ thật cụ thể cho các nhóm (số lượng thành viên, nhóm trưởng, các bài tập cần làm, thời gian hoàn thành...).

- Nên cho các nhóm làm bài tập trên bảng phụ, sau khi hoàn thành đem lên trình bày trên bảng; Theo dõi, bao quát hoạt động của các nhóm trong quá trình giải bài.

- Cho các nhóm cử người lên trình bày bài tập của nhóm mình, các nhóm khác nhận xét.

- GV tổng kết và chốt lại bài tập, đánh giá về hoạt động của các nhóm.

4. Các hoạt động khác: ngoài các hoạt động chính nói trên trong giờ bài tập vật lý có thể tiến hành thêm các hoạt động khác như sau:

- Nêu câu hỏi định tính cho cả lớp cùng suy nghĩ, thảo luận tìm câu trả lời. Để tăng sự hứng thú cho học sinh, GV có thể ra điều kiện về điểm số cho câu trả lời.

- Ra các câu hỏi trắc nghiệm để cả lớp cùng làm chung (có thể chuẩn bị trên bảng phụ, số lượng câu hỏi và mức độ câu hỏi phù hợp, luôn yêu cầu học sinh lý giải cho câu trả lời).

- Tổ chức đặt các câu hỏi dưới dạng hình thức giống như các trò chơi trên truyền hình (Ai là triệu phú, đấu trường một trăm, đối mặt...): Hoạt động này có tác dụng rất lớn trong việc kích thích sự hứng thú của học sinh tuy nhiên số lượng câu hỏi và thời gian bố trí phải phù hợp.

- Ra bài tập thí nghiệm cho học sinh (có thể ra ở giờ trước): Yêu cầu học sinh nêu phương án, GV chốt lại có thể yêu cầu học sinh về nhà làm thí nghiệm thực để kiểm tra phương án mà mình nêu ra.

2.2.5. Một số lưu ý chung khi tiến hành các hoạt động trong giờ bài tập

1. Sử dụng phối hợp nhiều hoạt động trong một giờ bài tập: nếu toàn bộ giờ học chỉ có một hoạt động duy nhất (ví dụ hoạt động chỉ gọi HS lên bảng) thì dễ gây đơn điệu, nhàm chán cho học sinh đặc biệt là những lớp có sự phân loại học sinh rõ nét, GV nên tiến hành ít nhất từ 2 đến 4 hoạt động nêu ở trên, đồng thời kết hợp các hoạt động với nhau một cách hợp lý. Điều đó sẽ giúp cho giờ học không còn đơn điệu, tạo điều kiện cho HS các loại đối tượng đều được tham gia hoạt động.

2. Nên khen ngợi và khuyến khích, cho điểm hợp lý, tuyệt đối không chê bai học sinh: Theo tâm lý học thì con người ai cũng thích được khen, ghét bị chê. Do đó việc khen ngợi học sinh sau khi làm được một bài tập (cho dù là dễ) hoặc trả lời được một câu hỏi là rất cần thiết (kể cả khi học sinh trả lời sai ta cũng khen ngợi vì học sinh đã suy nghĩ và nói lên suy nghĩ của mình). Việc khen ngợi và cho điểm hợp lý sẽ giúp cho học sinh tăng thêm sự hứng thú trong môn học. Bên cạnh đó nếu có chê trách học sinh thì nên thực hiện một cách khéo léo tế nhị, tránh làm học sinh bị tổn thương, tuyệt đối không được có mạt sát học sinh, điều này có thể dập tắt ngay sự hứng thú của học sinh đối với môn học vừa mới được hình thành.

3. Luôn luôn tổng kết và chốt lại phương pháp giải của các dạng bài tập đã nêu ra: đây là thao tác rất cần thiết nó giúp cho học sinh xác định được phương pháp chung giải bài tập theo dạng và lần sau có thể làm bài tập tương tự./.

RẤT MONG RẰNG QUÝ THẦY, CÔ GIÁO ĐỌC ĐẾN DÒNG CUỐI CUỐI CÙNG NÀY VÀ SẼ TỰ  NGỘ RA NHỮNG ĐIỀU LÂU NAY MÌNH ĐÃ LÀM CHƯA ĐÚNG, CHƯA CHU ĐÁO, CHƯA ĐÚNG VỚI PPDH VÀ KHSP, TỪ ĐÓ MỖI THẦY CÔ SẼ CỐ GẮNG HƠN TRONG CÔNG VIỆC CỦA MÌNH. RẤT CẢM ƠN NẾU ĐƯỢC SỰ CHIA SẺ VÀ ỦNG HỘ./.

 

Tác giả bài viết: Thi Văn Trí -ST

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Quy định thời gian Ra - Vào lớp

Thời gian Ra - Vào lớp của Trường THCS&THPT Lý Văn Lâm

Buổi sángBuổi chiều
Hoạt độngThời gianHoạt độngThời gian
Vào lớp tiết 16h45Vào lớp tiết 113h
Tan trường11h00Tan Trường17h15
ĐĂNG NHẬP
Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Văn bản mới -Thông báo

CV 3699

VB hướng dẫn nâng lương trước thời hạn

Lượt xem:107 | lượt tải:25

Số 2692/KH- SGD

Kế Hoạch Chi tiết năm học 2023-2024

Lượt xem:225 | lượt tải:77

2311

Kế hoạch chi tiết năm học 2022-2023

Lượt xem:382 | lượt tải:74

468QĐ HD

Hướng Dẫn Viết Và Nộp SKKN 2021-2022

Lượt xem:1032 | lượt tải:314

Số: 2127-KH SGD

Kế hoạch chi tiết năm học 2021-2022

Lượt xem:1048 | lượt tải:104

KH: SỐ 3/THPT

DỰ THẢO KHGD - NĂM HỌC 2020-2021

Lượt xem:426 | lượt tải:72

PCCM-PCCN

Phân cồng chuyên môn và chủ nhiệm

Lượt xem:836 | lượt tải:165

QĐ Số 3

QĐ TH Tổ CM Và Bổ nhiệm Tổ trưởng, tổ phó

Lượt xem:790 | lượt tải:159

Số 1626

Kế Hoạch nhiệm vụ năm học 2020-2021

Lượt xem:938 | lượt tải:102

CV 3699

VB hướng dẫn nâng lương trước thời hạn

Lượt xem:184 | lượt tải:62
Xếp loại thi đua
Tên lớpXếp hạng
10A1
12B2
10E3
Khảo sát thăm dò ý kiến

Bạn thấy website của trườngTHCS&THPT Lý Văn Lâm thế nào?

Vào sổ đầu bài online

HOẠT ĐỘNG NHÀ TRƯỜNG TUẦN 1-4

Từ ngày: 05/09/2023 - Đến ngày: 05/10/2023

Kế hoạch chung
1 3
Kế hoạch cụ thể
ThứSángChiều
Thứ 2
  • chào cờ
    Thứ 3
        Thứ 4
            Thứ 5
                Thứ 6
                    Thứ 7
                    • .
                    • .
                      Chủ nhật
                          Hình ảnh tập thể sư phạm nhà trường
                          https://188betz.net/
                          cdoi trai
                          cdoi phai
                          Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây