http://c23lyvanlam.camau.edu.vn


MỘT CÂU CHUYỆN, HAI BÀI HỌC

Hôm qua, tình cờ, tôi chứng kiến một học sinh khóc, khóc thật nhiều. Có lẽ cậu ấy bị xử oan chăng?! Cậu khóc! Ấm ức, tức tưởi mãi không thôi! … và tôi chợt nhớ một câu chuyện mà tôi đọc được cách đây đã lâu. Nay đọc lại vẫn thấy hay, thấy cảm động, thấy đáng để đọc. Xin chia sẻ câu chuyện ấy để mọi người cùng đọc và cùng suy ngẫm!
MỘT CÂU CHUYỆN, HAI BÀI HỌC

Thưa cô! Em đứng ạ!

                                  ( Truyện ngắn: kikuchi Tetsutai- Nhật bản)
 

          Đây là một trường Trung học ở trên địa bàn khá cao, có thể nhìn thấy biển cả. Khi lên lớp, từ trong lớp học có thể nhìn thấy biển cả biến đổi không cùng.

          Năm học ấy, có khoảng 80 em học sinh mới nhập học, trong đó, đại đa số là con em của những ngư dân hàng ngày đánh vật với  biển lớn.

          Đó là chuyện xảy ra trong tiết học đầu tiên tôi giảng dạy cho học sinh mới.

  • Đứng dậy!

Mọi học sinh đều đứng dậy. Bởi vì là học sinh mới, cho nên các em đều rất chú ý thận trọng, nên trong lớp học vô cùng im lặng. Nhưng tôi nhìn thấy một học sinh có lẽ muốn chơi trội, nên không đứng dậy chào cô.

  • Đứng ngay dậy!  Vừa nhập học mà có thái độ như vậy là không được! – Giọng nói của tôi bỗng nhiên đanh lại.

Lúc ấy, có tiếng nói:

  • Thưa cô! Em đứng đấy ạ!

Đúng thế, cậu ta, cậu ấy đang đứng đó, nhưng vì cơ thể cậu quá thấp bé, tôi nhìn thấy như ngồi.

Gay go rồi! Tôi đã làm một việc có lỗi với em!

Tôi cảm thấy bất an về sự sơ suất thô bạo của mình. Tạm thời chưa biết nói ra sao. Nếu như ngay lúc ấy mà tôi nói lời xin lỗi cậu. … thế là, lúc ấy tôi chỉ nói một câu : “Xin lỗi”. Các em học sinh ngồi gần đấy cười rộ lên. Chắc là em ấy rất đau lòng. Tôi ý thức được rằng  sau đó, em có thể vì chuyện này mà bị các em khác coi thường, trêu chọc.

     Sau khi hết tiết, tôi định xin lỗi em, nhưng vì quá tất bật, tôi đã quên béng chuyện này. Buổi tối, tôi do dự, có nên gọi điện cho em hay không. Song, tôi nghĩ, gọi điện xin lỗi thì quá mất lịch sự, thế là tôi đành phải cho qua.

     Ngày hôm sau, trời trong, nắng đẹp, biển cả vào mùa xuân, sóng xanh vỗ nhẹ. Tôi giảng bài thứ hai cho lớp học của cậu ấy.

  • Đứng dậy!

Lại im lặng một phút. Lúc ấy, bỗng nhiên lại vẳng lên một tiếng nói dõng dạc:

  • Thưa cô! Em đang đứng ạ!

Đúng là em. Là cậu ấy, cậu đang đứng trên ghế, tủm tỉm cười.

Trong nụ cười tủm tỉm của em, tôi nhận ra em làm như vậy không hề tỏ ra châm chọc, đả kích. Cũng không hề tỏ ra thái độ chống đối. Tôi cảm nhận được thái độ chân thành, thông cảm của em như muốn an ủi tôi “ Thưa cô! Em không để ý đâu, không nên lo lắng cho em”. Tim tôi như đau nhói!...

      Buổi tối hôm ấy, với một tâm tư, tình cảm vô cùng phức tạp, tôi gọi điện thoại cho em.

  • Thưa cô! Đừng bận tâm! Đừng bận tâm!

Từ đầu dây bên kia, truyền lại giọng nói gà tồ mà ngây thơ của em…

Tôi cầu mong bầu trời ngày mai vẫn không mây, nắng đẹp. Biển cả vẫn sóng xanh vỗ nhẹ vào bờ.

                                                                                                                                                                                      (Truyện ngắn- sưu tầm)

 

Qua câu chuyện trên, bản thân tôi rút ra được hai bài học quí , đó là: Tấm lòng thiện lương, vị tha, cao thượng của cậu trò nhỏ và cái “giật mình”, “thức tỉnh” rất đáng trân trọng của một nhân cách.

     Chúng ta, dù là ai, đôi khi cũng mắc phải những sai lầm không đáng có. Vậy ta cần phải làm gì trước những thiếu sót, sai lầm của mình? Dám dũng cảm, đối diện, nhận lấy trách nhiệm hay nhẫn tâm lướt qua để bảo vệ cái “tôi” của mình trên nỗi đau của người khác là tùy vào nhận thức của mỗi người.

     Với tôi, bản thân là một giáo viên, trước những  lỗi lầm, dù lớn hay nhỏ của học sinh chúng ta cũng nên xem xét và xử lí một cách thấu đáo. Đừng để tâm hồn nhạy cảm, non nớt của các em bị tổn thương không đáng có. Biết đâu rằng, có khi, có những vết xước nhỏ mà vô tình chúng ta làm chúng tổn thương, vết xước ấy sẽ  trở thành một nỗi đau âm ỉ mãi trong lòng trẻ thơ.  Khiến cho trẻ mất niềm tin ở thầy cô, ở người lớn, mất cả niềm tin trong cuộc sống. Điều đó, quả thật vô cùng tệ hại! Biết đâu, vô tình, chúng ta chính là thủ phạm làm hỏng cả một CON NGƯỜI….  Vì thế, là thầy, là cô, chúng ta hãy luôn biết tôn trọng, lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu học trò. Bởi, một tâm hồn nhạy cảm sẽ rất dễ bị tổn thương. Mà một khi đã tổn thương rồi thì rất khó lành lặn. Vậy nên, bản thân là người thầy, người cô, chúng ta hãy tinh tế trong việc xử lí học sinh ở mọi tình huống, dù là nhỏ nhất các thầy cô ạ!       

Tác giả bài viết: Tạ Ánh Minh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây